loading

Có đúng không khi bạn thường nghĩ rằng: đi phượt, đi bụi… là đi để khám phá, đi để tìm tòi, đi để biết chỗ này chỗ kia. Và khi đã thực sự nhập cuộc, bạn phóng xe như là đi để đến, thậm chí là băng qua những cung đường như chưa bao giờ được đi.

Phượt – đúng là cái vinh quang huyền thoại của tuổi trẻ” thế nhưng “bạn đừng vì một phút nông nổi mà để gia đình phải đau khổ”. Bạn được nhiều cái nhưng họ lại mất đi cái quý nhất, và cũng là người đau buồn nhất”

Đó là một chia sẻ nhiều tâm sự của phượt thủ Quang Tuân – người đã từng tham gia rất nhiều các hành trình du lịch phượt. Và cũng có ít nhất vài năm cầm lái trên những cung đường đèo đầy hiểm nguy, thử thách. Sau đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu được anh chia sẻ. Mọi thứ có đúng, có sai cho bạn nào vẫn hàng ngày gọi phượt là đam mê, là đi khám phá… để có chuyến đi an toàn và trọn vẹn.

Đừng chỉ nghĩ đi phượt là khám phá - Xác định tinh thần là đang đi chơi

Có đúng không khi bạn thường nghĩ rằng: đi phượt, đi bụi… là đi để khám phá, đi để tìm tòi, đi để biết chỗ này chỗ kia. Và khi đã thực sự nhập cuộc, bạn phóng xe như là đi để đến, thậm chí là băng qua những cung đường như chưa bao giờ được đi. Bạn cứ mãi mải mê, trong khi trên đường quá trời cảnh đẹp, quá nhiều thứ để bạn khám phá mà bạn lại bỏ qua. Vậy thì đâu phải gọi là đi để khám phá.

Bởi thế, trước khi đi bạn nên xác định mục đích đi để làm gì? Nếu mà đi khám phá thì chạy chậm lại, 30 km nghỉ ngơi một lần, không thì 10 km ngh​ỉ một lần cũng ​không sao. Đi phượt 60km mất tới gần 6 tiếng đồng hồ cũng không sao, hãy xác định tinh thần đi phượt là đi chơi, để hưởng ngoạn và dành nhiều thời gian vào nó.

Khi chạy xe chậm và ngh​ỉ ngơi nhiều, tinh thần sẽ minh mẫn, như thế sẽ an toàn. Vừa an toàn vừa khám phá, bạn còn muốn gì hơn thế nữa?

Đừng cố chạy xe để thể hiện – Đã yếu thì đừng ra gió

Mấy cô cậu thanh niên, đặc biệt là các bạn nam thường hay có suy nghĩ: trẻ thì phải thử một lần, và thử chạy xe trên các cung đường đèo cheo leo trên vách núi khi khả năng tiết chế xe còn non kém.

Không nên cố thể hiện bản thân bằng cách chạy xe trên những cung đường như thế, nó thật chẳng đáng nếu có lỡ xảy ra rủi do. Phải biết lượng sức mình mà đi chứ đừng có hùa theo mấy cái triết lý vớ vẩn rồi người đau buồn không phải là bạn!

Hãy nhớ rằng trên các cung đường nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho tính mạng là trên hết. Ví dụ, chạy xe trên đèo Hà Giang bạn phải có các kỹ năng vào số, rồi lùi số, kỹ năng vượt xe, xin đường vào cua các kiểu… có rất rất nhiều các chú ý cần phải nắm bắt, nó không hề đơn giản là chỉ ngồi lên xe và đi.

​Còn nữa “đi cùng đoàn thì phải theo đoàn, tinh thần tập thể”. Đồng ý​, vậy bạn chạy không được 60 km một giờ trong đêm tối (rất rất nhiều đoàn đi như vậy 18-24h đến) thì bạn cứ nói trưởng đoàn. Nếu bạn mệt nói trưởng đoàn, họ không đồng ý cho bạn chạy chậm, hoặc ngh​ỉ ​thì “vì tinh thần của tập thể tôi xin rút lui để không làm chậm mọi người”. ​Vừa an toàn, vừa tập thể… ​Tại sao không?

Phải có một sự chuẩn bị - Trang bị kỹ năng lái xe

Nắm bắt các kỹ thuật như: ôm, bo cua, và xử lý gập người trên những cung đường gấp khúc là những điều bạn cần phải có sự rèn luyện kỹ lưỡng. Phải tuân thủ các quy tắc vàng khi phượt xe máy và những điều sau:

Đầu tiên: Nên đi chậm.

Thứ 2: khi lên dốc số nào? thì xuống số đó hoặc thấp hơn. Ví dụ lên dốc số 3 thì bạn xuống số 3. Nếu bạn thấy lao nhanh quá thì thắng lại cho nó đi chậm chậm, rồi lui số 2 đề nó ghì xe lại, khi ấy bạn sẽ làm chủ tốc độ không bị lao dốc.

Thứ 3: khi vượt thì phải xi-nhan bóp còi xin vượt, và vượt bên trái (nên thế). Khi thấy xe trước thực sự nhường đường thì vượt. Tuyệt đối không vượt lúc vào cua, khuất tầm nhìn xe đối diện.

Thứ 4: khi gặp ổ gà, ổ voi bất ngờ thì đừng lách, tránh mà thật cứng tay lái bình tĩnh rồi chạy vào luôn. Vì nếu bạn đi tốc độ cao mà lách không khéo là xe sau phi lên hoặc tránh bánh xe thì bạn sẽ nguy hiểm hơn (nhớ là cứng tay lái nhé).

Thứ 5: nếu gặp một cục đá nhỏ cũng có thể làm bạn té xe. Vì thế, nếu bạn thấy cục đá nhỏ bằng 1/2 nắm tay cũng đừng chủ quan. Nếu không cứng tay thì nó làm lệch bánh xe của bạn như chơi.

Thứ 6: khi đi đêm gặp xe đối diện bật đèn pha thì nhá đèn ra hiệu họ tắt đèn pha, đồng thời bạn cũng tắt đèn pha về cốt luôn…

Nhất thiết phải trang bị đồ bảo hộ

Đồ bảo hộ là những vật dụng bảo vệ an toàn cho bạn trong suốt hành trình như: mũ bảo hiểm, giáp tay, giáp chân…

- Tiêu chuẩn mua mũ bảo hiểm: mua mũ bảo hiểm 3/4 hoặc fullface có kính chắn gió, vừa an toàn vừa giúp bạn không bị khô mắt khi chạy xe.

- Nên mua giáp tay giáp chân mang vào cho những chuyến đi dài… loại giáp chất lượng tốt để sử dụng phòng hộ lâu dài. Khi không xảy ra chuyện gì​, các bạn sẽ thấy rất phiền, nhưng mà lỡ có chuyện thì bạn sẽ thấy không bao giờ thừa. Nếu giả sử có lỡ đâm phải con chó trên đường bị té xe mà không hề bị trầy xước chân tay.

Hành lý – mang ở mức tối giản nhất có thể

Nếu xe bạn còn chỗ thì nên để balo đồ ở đằng sau. ​Khăn quàng cổ nhớ buộc gọn rồi cho vào áo đừng để bay bay như lãng tử vướng lung tung. Cờ đỏ sao vàng hay cờ đoàn nếu không cần thiết thì cũng không nên cắm. Tuyệt đối không cắm cái gì ở đằng sau xe. Những hành lý cần có cho mỗi chuyến đi phượt là điều bắt buộc cần có và bạn phải sắp xếp gọn gàng nhất có thế.

Đừng vì một phút nông nổi

Bạn vui, bạn chụp được nhiều hình đẹp, được đi nhiều nhưng mà đằng sau bạn có nhiều thứ lắm…

Bạn đừng vì một phút nông nổi mà để cả gia đình bạn phải đau khổ. Bạn được nhiều cái nhưng họ lại mất đi cái quý nhất, và họ cũng là người đau buồn nhất. Vì thế hãy luôn đưa yếu tố an toàn lên hàng đầu… Lúa, tam giác mạch, dã quỳ, hoa cải, hướng dương, Mã Pí Lèng, Lũng Cú, ​các con đèo thì vẫn còn đó k​hông đi đâu mà phải vội vàng nhé!