loading

Cả dân du lịch và dân phượt đều hô hoán khẩu hiệu: “Đừng lấy gì trừ những bức ảnh. Đừng để lại gì trừ những dấu chân. Đừng giết gì trừ thời gian” - của Baltimore Grotto, một hiệp hội thám hiểm và bảo vệ hang động của Mỹ, để nhắc nhở nhau về việc giữ ý thức trên hành trình phượt.

Ấy thế mà trên thực tế: Xả rác bừa bãi, tỏ thái độ trước tập quán của đồng bào thiểu số, phá nát cảnh quan… là điều khiến những con người ấy để lại ấn tượng xấu trên cao nguyên đá. Một cô gái trẻ đã có lời văn nhẹ nhàng, đủ sức thuyết phục người đọc khi nói về ý thức của các bạn trẻ lên Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch: “Các bạn đang làm gì quê hương tớ vậy?” – đó là những chia sẻ thu hút nhiều người quan tâm. Thật vậy, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh xấu xí, cho thấy nhiều người chưa đủ ý thức trách nhiệm khi đi du lịch.

Sau đây là một vài thói quen xấu trên đường đi phượt Hà Giang mà mọi người nên tránh, và có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường hơn.

Xả rác bừa bãi

Tháng 10, tháng 11, và tháng 12, đó là những tháng cuối năm - thời điểm mà nhiều mùa hoa mời gọi các phượt thủ và nhiều khách tham quan du lịch: mùa tam giác mạch, mùa hoa cải trắng (vàng), mùa hoa dã quỳ, mùa cúc họa mi, hướng dương… Kinh nghiệm phượt mùa hoa tam giác mạch là nhưng chia sẻ để bạn có chuyến đi an toàn và hấp dẫn.

Nếu đến Hà Giang, Mộc Châu, Đà Lạt, Nghệ An hay bất kỳ địa điểm thu hút dân phượt vào thời điểm này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh xen giữa những gốc hoa, bãi đá là những túi nilon, vỏ chai nước, bã kẹo cao su… Nhiều đoàn thường chuẩn bị đồ ăn sẵn mang theo. Những vật phẩm còn thừa sau mỗi bữa ăn bị vứt bữa bãi, gây mất mĩ quan và ảnh hưởng vệ sinh môi trường tự nhiên.

Dẫm nát hoa gây tổn hại đến cảnh quan

Đúng là chỉ để lấy đi những bức hình thôi, nhưng khi đã chụp ảnh xong thì những cánh đồng hoa tam giác mạch tại nơi đây chỉ còn là một bụi rậm với vô số những cành nhánh cây bị dẫm nát.

Nhiều bạn trẻ, để có được những bức ảnh đẹp đăng trên Face, họ sẵn sàng lội vào giữa ruộng hoa cải hay tam giác mạch, biểu diễn nằm, ngồi, nhảy lên cao…, miễn có được những hình ảnh ưng ý nhất. Những hành động vô trách nhiệm này đã vô tình làm tổn hại nghiêm trọng đến nguồn lương thực và biết bao công sức chăm sóc của người dân trên cao nguyên đá. Họ không thể chỉ thu có vài đồng của khách du lịch mà đủ sống, đối với họ lương thực là thứ quý giá nhất.

Thiếu đi ý thức tôn trọng văn hóa, người bản địa

Đừng vì thấy họ khốn khó, ăn mặc rách rưới, mặt mũi nhem nhuốc, ăn uống bẩn thỉu mà có thái độ xa lánh, kỳ thị, và thiếu tôn trọng. Họ đều là những dân tộc anh em đáng để kính trọng và đùn bọc. Nếu không thể tỏ ra thân thiện thì cũng đừng nên có những hành động và lời nói động đến văn hóa, phong tục tập quán.

Có nhiều người tự ý xông vào nhà dân mà chưa được sự cho phép của chủ nhà, hoặc cười nói ồn ào, phớt lờ những kiêng kỵ trong sinh hoạt của người dân tộc như không được xê dịch viên đá kê làm kiềng bếp lửa, không mặc quần áo bằng vải lanh trắng vào nhà, không ngồi trong nhà huýt sáo… Hoặc làm từ thiện theo kiểu bố thí, khinh miệt, đó là cách giúp người mà không có tâm, có đức sau này cũng sẽ nhận phải nhân quả.

Không tôn trọng lịch sử, di tích

Nhiều phượt thủ muốn chứng minh là mình đã từng lên tới đây, check in bằng các tấm hình leo trèo, ngồi trên cột mốc biên giới, hoặc một di tích lịch sử nào đó. Hành động này được cho là thiếu ý thức, không tôn trọng di tích lịch sử.

Việc làm xấu xí và phản cảm này là điều thường xuyên xảy ra. Rất nhiều bạn trèo lên tượng đài, các cột mốc biên giới và tạo dáng. Những cột mốc quốc gia này là địa chỉ thiêng liêng, thể hiện chủ quyền và biên giới lãnh thổ. Những người lính biên phòng khi tuần tra biên giới, gặp các cột mốc này đều đứng lại và nghiêm chào theo điều lệnh. Nếu không có ý thức bảo vệ đồng thời với việc bạn đang coi thường chủ quyền, ranh giới lãnh quốc gia.

Coi thường mạng sống

Trên nhiều diễn đàn phượt có đăng một khẩu hiệu lớn rằng “Hãy xách balo lên và đi” chứ đừng “Xách cái mạng lên và đi”, với mục đích khuyên và mong muốn các bạn trẻ có ý thức bảo vệ bản thân.

Đảm bảo an toàn cho bản thân trong cứ trường hợp nào đều là việc quan trọng nhất. Khi đi phượt bằng xe máy, các phượt thủ phải trải qua quãng đường lên miền núi nhiều đèo dốc với những khúc cua nguy hiểm. Đáng lẽ hộ cần phải tuân thủ những quy tắc vàng khi đi phượt xe máy, thế nhưng nhiều bạn trẻ sẵn sàng lái xe với tốc độ 50-60 km/h trên những đoạn đèo ấy, bất chấp bên cạnh là vực sâu hun hút.

Nhiều đoàn căng lều, trải thảm ngủ ngay dọc đường, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Trên những con đường này thường có nhiều xe lớn. Những việc làm trên không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng chính mình mà còn gây nguy hiểm cho nhiều người khác.

Đi như thế nào để an toàn và có văn hóa là điều mà cần phải chú ý từ trước khi lên đường. Dù bạn phượt đến bất cứ đâu, hãy luôn ghi nhớ bảo vệ thiên nhiên và văn hóa bản địa. Tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng văn hóa bản địa chính là các bạn đang tôn trọng chính mình. Đừng đến đó chỉ để thỏa mãn bản thân, có thành tích, rồi ra đi để lại những hình ảnh xấu xí, để những chuyến đi sau sẽ thấy cái nhìn thiếu thiện cảm của đồng bào nơi ấy.