loading

Người bắt đầu một chuyến đi không chuẩn bị cẩn thận cũng giống một đứa con nít dại dột trèo lên xe máy lao ra đường vậy. Nếu gặp tai nạn, đứa trẻ bị thương tích thật tội nghiệp, nhưng tội nghiệp hơn là những người đi đường đã tông phải nó…

Có rất nhiều lời giận dữ đã dành cho các em sinh viên 20 tuổi bị lạc trên núi Bà Đen, một nhóm 20 bạn đã bị lạc trong đêm và phải gọi người đến cứu.
Nếu phải trách cứ, thì các bạn đáng trách, vì chuyến đi chơi của họ đã làm phiền đến người khác. Nhiều bạn chưa quen với việc suy nghĩ về sự phiền phức mình có thể gây cho người xung quanh. Các nhóm du lịch cũng có xu hướng như vậy. Thậm chí, một bạn còn nói: “Em nghĩ mình đã mua vé vào vườn hoa cải, em trả tiền rồi, thì em có dẫm vài cây cũng có sao đâu?”.

Có nhóm phượt thủ đi bộ đã đời qua đồi cát, xong thấy người địa phương có lu nước, chạy lại xin uống. Các bạn uống hết lu nước của chủ nhà và vứt luôn cái gàu ra ngoài đất. Những nhóm leo Fansipan thường xuyên vứt rác đầy đường đi, vứt chai nhựa, khăn ướt, khăn giấy lung tung. Trong khi đó, vườn quốc gia Hoàng Liên đã có hẳn một bãi rác quy định sau trại nghỉ cho người đi du lịch.

Một lần, tôi gặp nhóm đi “khám phá” xin ngôi trường tiểu học cho ngủ nhờ lại trong các phòng học. Thầy hiệu trưởng hào phóng cho phép. Sáng hôm sau nhóm phượt để lại ngôi trường một đống rác của bịch dầu gội đầu và giấy vệ sinh mà họ thải ra.

Tôi tự hỏi, có phải các bạn nghĩ rằng việc mình đi phượt, đi khám phá, là một nghĩa vụ vinh quang hiển hách, nên mặc định người dân địa phương phải “chiều lòng” và chịu đựng các bạn?

Có một thời gian quá dài những người trẻ xách xe đi chinh phục được xây dựng như một hình ảnh vinh quang, và rất nhiều người đi sau đó nghĩ rằng hai bên đường phải cúi rạp phục vụ mình, bị mình làm phiền, cho mình ăn, cho mình xả rác. Các bạn quên mất rằng đi chơi là bạn thỏa mãn niềm vui của chính bạn, chứ không thỏa mãn giùm ai ước muốn chinh phục cái gì cả. Vì vậy, đừng làm phiền người khác vì thú vui chinh phục khám phá gì đó của bạn.

Khát khao được đi ra ngoài, nhìn thấy thế giới của người trẻ chưa bao giờ lớn như bây giờ. Thậm chí, người đi trở thành anh hùng mà bất cứ bạn trẻ nào cũng mơ ước. Chỉ cần đi xa, chụp hình đứng trên cột mốc biên giới, đeo khăn quàng, đứng trên đỉnh núi là đã có thể… lấy le với bạn bè.

Nhiều bạn vì yêu thích đã bắt đầu chinh phục con đường, trong khi một số bạn khác cũng “liều mạng” nhảy vào chinh phục lung tung thứ. Các bạn “ăn theo” này không chuẩn bị gì cả, không có kỹ năng đi bộ, cũng chưa hiểu hành trình thế nào. Được trấn an bởi người dẫn đầu, họ đặt tính mạng và hành trình của mình vào tay vị “anh cả” đó.

Hành vi này có thể thấy qua chuyện một nhóm phượt nổi tiếng trong mùa đông đã ngủ trên đường khi đến Đồng Văn. Họ trả tiền, và đặt tất cả bản thân vào trách nhiệm của người khác. Cứ giống như có tiền là thuê “bảo mẫu” cho hành trình vậy. Và khi xảy ra chuyện, họ có thể đổ lỗi cho người dẫn đầu.

Các bạn này quên mất trong một chuyến đi xa, tất cả bạn đồng hành đều phải là chỗ dựa cho nhau, và mỗi người đảm nhận những công việc khác nhau của một hành trình. Không ai có thể chịu trách nhiệm cho tính mạng người khác, và không một người bạn đồng hành nào lại phải làm “anh cả” hay “bảo mẫu” nào cả. Một chuyến đi như vậy là không công bằng, và không tôn trọng bạn đồng hành.

Người bắt đầu một chuyến đi không chuẩn bị cẩn thận cũng giống một đứa trẻ nít dại dột trèo lên xe máy lao ra đường vậy. Nếu gặp tai nạn, đứa trẻ bị thương tích thật tội nghiệp, nhưng tội nghiệp hơn là những người đi đường đã tông phải nó, chẳng liên quan gì, tự dưng mang vạ vào thân và cùng phải chịu tai nạn đó. Đừng biến chuyến đi của bạn thành “vạ” của bạn đồng hành, chỉ vì bạn là một đứa mù mờ, ngây dại, hão huyền và không chuẩn bị gì hết.

Công tác chuẩn bị trước cho mỗi chuyến đi luôn là điều được ưu tiên hàng đầu, phải xác định trước lịch trình chuyến đi, những đồ đi phượt cần phải mang theo, dự kiến những tình huống có thể xảy ra cũng những phương án xử lý ...

Nhiều người phải bắt đầu việc khám phá tuổi trẻ của mình trong sự cực khổ, và sai lầm xảy ra. Dù đã 18 -20 tuổi, nhưng họ không bao giờ được quyền tự quyết định đi đâu, chơi gì, luôn gặp phải sự phản đối của gia đình, cha mẹ cấm cản, và dẫn đến việc phải… trốn nhà đi chơi. Sau vài vụ tai nạn đọc được trên báo, nhiều cha mẹ cấm 100% không cho con đi chơi, đi du lịch với bạn luôn cho an toàn.

Nhưng trẻ mà, dù có đọc báo thấy tin chết, nhưng chẳng ai sợ đâu. Nhu cầu khám phá của bạn trẻ lớn hơn nỗi sợ nhiều. Và họ trốn nhà đi. Chuyến đi hóa thành đáng tiếc, vì nó không có sự hỗ trợ và tôn trọng của gia đình, chỉ lén lút và chuẩn bị chắp vá, vội vàng và sợ hãi. Hậu quả không lường trước được.

Đã đến lúc, cha mẹ và gia đình nên nhìn nhận nhu cầu khám phá, trải nghiệm của con cái mình như một nhu cầu được lớn lên, tôn trọng chuyến đi và hành trình khám phá của họ, giúp họ chuẩn bị để an toàn nhất và không bị thiếu thốn gì khi bước vào hành trình. Nói cho cùng, dù cha mẹ có cấm cản bao nhiêu mà chúng tôi muốn đi thì vẫn cứ đi thôi, chả thể nào cản được, vậy tại sao không hợp tác với con cái như những người lớn?

Mà cũng thật lạ, phần lớn gia đình Việt Nam không quá giàu có, nhưng rất nhiều người trẻ Việt Nam lại sống và hành động như những cậu ấm cô chiêu. Những sinh viên đại học không biết làm một cái gì trên đời, lái xe máy cũng sợ (vì học cấp 3, ba má chở đi học suốt ngày), ăn cơm quán thì ốm (vì quen ăn ngon), nhưng tự nấu ăn thì không biết (ở nhà ba má nấu).

Rất nhiều bạn không biết bơi, không biết dùng các thiết bị thông thường, cũng không biết hỏi người xung quanh khi đi lạc… Đến khi ra đời, các cậu ấm cô chiêu này thực sự muốn khám phá thế giới, muốn học hỏi mọi thứ, và lao vào cuộc sống như một chiếc xe đạp không phanh, không kỹ năng, không công cụ… Vậy là chuyện đáng tiếc xảy ra.

Một chuyến đi có thể “điên rồ” không? Rất nhiều bạn đã truyền miệng nhau “huyền thoại” về những tay chinh phục núi Bà Đen trong 1-2 giờ, hoặc một anh chàng lái xe máy từ Sài Gòn – Hà Nội trong vài chục giờ liên tiếp, xuống xe ở Hà Nội thì xỉu luôn. Và coi đó là anh hùng.

Sau đó rất nhiều bạn trèo lên núi, cưỡi xe máy y chang. Tất cả đều học đòi cái vinh quang huyền thoại của tuổi trẻ, nhưng chưa có ai hỏi xem bạn lái xe máy đó đã chuẩn bị gì, đã khỏe mạnh ra sao, đã lái xe bao lâu, đã chơi xe thế nào, đã giỏi sửa xe ra sao, hay bạn leo núi đó ngày nào cũng tập thể thao, hay đã chơi môn leo núi mấy năm trời rồi…

Cái phần khó của một chuyến đi thì không ai thèm học, nhưng ai cũng muốn trở thành yêng hùng nhờ vào cái vinh quang dễ có của một kẻ chinh phục. Tuổi trẻ ai cũng có một thời để say mê, điên cuồng, rực rỡ, hi vọng là rực rỡ hơn nếu mình sống qua được thời gian đó mà không làm hại ai và không tự làm mình bị tai nạn gì dại dột.

Coi bộ chuyện này mới khó.

Nguồn – Tổng hợp