loading

Nằm ở vị trí trung tâm của thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Thành cổ Sơn Tây không chỉ là di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, thu hút đông đảo khách tham quan mà còn hòa vào cuộc sống bằng sự yên bình, thư thái, được ví như lá phổi xanh giữa lòng đô thị. Đây cũng là điểm đến ưa thích của nhiều bạn trẻ mỗi dịp cuối tuần sau những giờ phút nghiên cứu miệt mài bên bàn học và giảng đường mỗi ngày.

Ngăn cách Thành cổ với bốn bề phố phường xung quanh là hào nước sâu vốn được nối thông với sông Tích Giang. Cây cối xanh mát, xum xuê bao phủ lấy khu di tích quốc gia đã tồn tại gần 200 năm nay. Nếu không có hàng tường bao bằng đá ong xưa cũ nhiều người có thể lầm tưởng đây là một công viên xanh. Nhầm lẫn cũng dễ hiểu bởi người dân đã coi đây là nơi vui chơi, sinh hoạt chung của tất cả mọi người những khi rảnh rỗi. Các hoạt động thể thao, giải trí diễn ra hàng ngày không làm ảnh hưởng tới giá trị văn hóa – lịch sử của Thành cổ mà còn mang tới cho khách tham quan cảm giác yên bình, trong lành, vô cùng dung dị khi đến thăm.

Tòa thành bao gồm bốn cửa Tả, Hữu, Tiền, Hậu lần lượt trông ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc nhưng  hiện nay chỉ còn lại hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu. Gần mỗi cửa là chiếc cầu bắc qua dòng nước trong xanh, êm đềm cũng là lối dẫn vào Thành cổ. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ để cho những cảm giác dễ chịu ùa vào lòng người.

Cửa Hậu hướng ra UBND thị xã Sơn Tây, cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ (chợ trung tâm lớn nhất thị xã), xung quanh đều là những con phố sầm uất nhưng không vì thế mà khu vực Thành cổ trở nên xô bồ, ồn ã. Trái lại, nó dường như làm giảm hẳn đi cái náo nhiệt của chốn thành thị, trưng ra một không gian thanh bình, yên ả với vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc và gần gũi.

Toàn bộ tường và cổng thành được xây bằng đá ong và gạch cổ, mặc dù đã bị hư hại nhiều bởi tác động của tự nhiên nhưng đến nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích trăm năm. Chất liệu và sắc màu đặc trưng của những loại vật liệu truyền thống này càng trải qua thời gian càng làm toát lên vẻ thâm trầm, bền bỉ của kiến trúc thành cổ. Thành Sơn Tây là tòa thành quân sự duy nhất của Việt Nam được xây bằng đá ong, mang một vẻ đẹp độc đáo vừa kiên cố, vững chắc vừa hài hòa, cổ điển. Vẻ đẹp ấy tạo cảm giác xưa cũ, thanh bình đang ngày càng hao mòn đi trong những tác động của sự thương mại hóa, đô thị hóa.

Trong khu vực nội thành thiết kế nhiều khuôn viên thoáng rộng, nhiều công trình kiến trúc theo phong cách truyền thống như Kỳ Đài (cột cờ), Hành Cung (còn gọi là Vọng Cung hay Điện Kính Thiên), Đoan Môn… Hai hồ nước trong xanh phía trước cột cờ cũng là nơi nghỉ chân của nhiều người dạo chơi. Gió lộng làm tung bay lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Kỳ Đài như gạt bỏ đi bao nỗi niềm, làm xao lòng người vãn cảnh. Hình ảnh ấy nhắc nhớ trong tâm thức mỗi người niềm tự hào thiêng liêng về truyền thống văn hóa và lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Từ lâu, Thành cổ đã trở thành địa điểm tham quan, thư giãn của người dân bản địa cũng như du khách thập phương. Luôn xanh mát trong những ngày nắng oi bức, tòa thành được ôm trùm bởi nhiều cây đại thụ lâu năm cùng với các loại thực vật phong phú như xà cừ, cơm nguội, gạo, bồ kết, dây leo… Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như những nhân chứng của lịch sử vẫn đang tiếp tục tỏa bóng dõi theo sự tồn tại và nhịp sống nơi đây.

Mỗi buổi chiều, rất đông người lại đến tản bộ, chơi thể thao cả trong và ngoài thành như một thói quen để tranh thủ tận hưởng không khí trong lành, thư thái. Thành cổ yên bình mà vô cùng tươi đẹp, chắc chắn không phải sự yên bình trong lạc lõng, cô liêu. Nó là quá khứ, là hiện tại sinh động và quý giá. Nó vẫn đang hài hòa những ồ ạt của cuộc sống thường nhật mà bất kỳ ai yêu mến nơi này cũng đều nhận ra và trân trọng.

Bài viết cùng chuyên mục : 

  • Những thú vui cực hấp dẫn lòng người tại Quy Nhơn
  • Trải nghiệm 2 ngày thú vị trên đảo Cát Bà
  • Khám phá Côn Đảo tận hưởng mùa hè trong mơ