loading

Vietnam Airlines muốn tăng giá vé lên đến mức vé khứ hồi Sài Gòn – Hà Nội sẽ hơn 8 triệu. Những người trẻ của chúng tôi (thuở cuối 8X) ngày trước hay nhắc đến Nguyễn Tuân, Che Guevara như một hình tượng của chủ nghĩa xê dịch (thích đi, đi, coi đi là cuộc sống).

8 triệu đồng và các chuyến đi

Nhưng có nhìn chung khắp nơi mới thấy, ngoại trừ những người trẻ bắt đầu biết say mê các con đường, biết đi, viết, trải nghiệm và chia sẻ thì những người lớn tuổi hơn một chút ở thế hệ trước vẫn còn xa lạ với sự đi. Cá biệt, nhiều vùng quê tôi đến, phụ nữ 35–40 tuổi có người chưa bao giờ rời khỏi ngôi làng của họ để đi vào thành phố lần đầu tiên.

Cái đi là một nỗi sợ.

8 triệu đồng và các chuyến đi

Nếu bạn hỏi một người lớn tuổi, sao không đi nơi này/nơi kia chơi, câu trả lời đầu tiên của họ sẽ là “Tiền đâu mà đi hả cháu?” – Trong khi đó, họ không hề biết rằng chỉ cần số tiền họ bỏ phong bao cho 2 – 3 cái đám cưới hàng xóm hoặc tiền mua một cái đầu karaoke là họ có thể đi lên thành phố gần nhà nhất (thuộc cùng tỉnh với nơi họ ở). Sau tiền là các nỗi lo: đi thì ai lo nhà cửa, đi thì ai lo gia đình, đi thì ai nấu cho bọn trẻ ăn, đi thì ai lo cho đàn lợn…. Các nỗi lo kéo người lớn lại. Trong khi thứ 7, Chủ Nhật con trai con gái ở nhà có thể cho lợn ăn, có thể tự săn sóc và chơi với nhau… và nhiều yếu tố khác.

Vấn đề ở đây đã xa hơn khỏi quỹ đạo của tiền, gia đình hay nghĩa vụ. Những người hơi lớn tuổi đã hình thành trong đầu một nỗi ngán ngại sự đi, vì đi = tốn tiền + tốn thời gian + bị lừa + xa xứ… Các dấu cộng tiếp theo tự bạn có thể tưởng tượng ra được.

Vì thế, những người ham đi một chút bỗng nhiên được cả cộng đồng trầm trồ thán phục.

Vì thế, ở những ngôi làng Việt Nam hàng nghìn năm tuổi, cái sự đi ra ngoài đã trở thành một cái gì đó oai lắm, xa xỉ lắm, sướng lắm.

Cái đi là một ham muốn

Nhưng bản thân con người, sự khám phá lại là một cái lõi cơ bản tồn tại sâu kín trong tiềm thức của họ. Vì thế, các nỗi sợ chỉ níu kéo lại gót chân của người ta chứ không hoàn toàn cản trở được họ.

Có thể thấy điều này rõ nhất ở các cơ quan nhà nước. Khi bỗng nhiên ở đâu có một phi vụ công tác, giao lưu, làm ăn, đào tạo… của một nước ngoài nào đó đài thọ/mời thì ngay lập tức các suất này được “tuyển thẳng” đến bàn của sếp lớn hoặc những kẻ nào “biết điều với sếp”. Hình ảnh này cũng quen thụôc với các suất học bổng sau đại học thuộc về nhà nước, khi mà các trường đại học chi nhánh ở miền Nam thường được nhận thông tin…sắp hết hạn và không kịp trở tay trong khi các chi nhánh chính ở miền Bắc(Trung ương) đã xí phần cho con em mình hết. Trong nhiều chương trình học bổng giáo dục nước ngoài, người ta thấy hầu hết người đoạt được suất đi lại là… con cháu các hiệu trưởng/sếp.

Thế là bên ngoài câu thành ngữ quen thuộc “miếng ăn là miếng nhục”, bây giờ miếng đi cũng nhục không kém. Hehe.

Tuy nhiên, cũng đáng khen ở chỗ, ngay khi thoát khỏi cái vỏ trở ngại, con người ta lại ham muốn đi và khám phá thế giới (cho dù bằng nhiều cách không sạch sẽ gì cho lắm).

Đi để làm gì?

Khi Lonely Planet (một nhãn hiệu sách hướng dẫn du lịch) ra đời, quyển đầu tiên của nó tên “Across Asia on the Cheap” (tạm dịch, xuyên châu Á giá rẻ), được Tony Wheeler và vợ ông Maureen Wheeler viết năm 1973 (với chuyến đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, qua Iran, Afghanistan, Pakistan, đến Ấn Độ và Nepal) đã bán rất chạy, khiến cho cặp đôi này có thể tiếp tục với ấn phẩm tiếp theo tên “South-East Asia on a Shoestring” (Đông Nam Á trên chiếc dây giày). Ngày nay Lonely Planet là một trong những cẩm nang du lịch bụi nổi tiếng nhất thế giới.

Ngay từ cái tựa đầu tiên “Across Asia on the Cheap” – những người đi tiên phong này đã bẻ gẫy hàng rào đầu tiên cản trở những thế hệ bạn đồng hành bên cạnh họ, đó là chi phí. Như đã trình bày ở trên, chi phí là rào cản đầu tiên khiến người ta sợ đi xa. Lonely Planet cung cấp ấn phẩm theo từng nước/vùng, với các ghi chú nhỏ xíu từng ô vuông về giá cả khách sạn, đường đi, xe cộ, điện thoại, tiền bạc, an toàn, visa, ăn uống, bản đồ, cách hoà nhập với người địa phương… theo cả 3 mức độ: dân đi bụi, trung lưu và người có tiền. Bằng cách này, tác phẩm này đã mở ra một chân trời mới cho cả thế giới của những kẻ thèm đi. Người ta dễ dàng thấy ở khắp nơi trên châu Á này, những vị khách Tây xa lạ sành sỏi trả giá, sành sỏi đi lại với quyển sách Lonely Planet trên tay.

Thế giới mở ra. Và con người trưởng thành.

Câu chuyện của con đường không dừng lại ở đó. Hàng trăm hãng hàng không trên thế giới đã biến máy bay thành xe đò, đã hạ giá tối đa dịch vụ bay đến mức rẻ gần sát đường bộ, cho những du khách không sử dụng bữa ăn trên chuyến bay, mang theo hành lí giới hạn, hoặc đặt vé trước một thời gian dài trước khi đi. Vé xe lửa nhiều nơi trên thế giới cũng có các khuyến mãi đặc biệt dành cho người đi du lịch dài ngày và trên các tuyến đường lớn.

Trong thế giới hiện đại, sự di chuyển làm các giới hạn trong sâu kín não bộ của con người trở nên mờ nhạt hơn. Thế giới được gọi tên là “phẳng” và hàng nghìn câu chuyện kết nối về xử lí thảm hoạ, giúp đỡ nhau vượt qua căn bệnh ung thư, trầm cảm, tự kỉ… đều thông qua các cuộc di chuyển không ngừng nghỉ của nhìêu cá nhân trong nhìêu cộng đồng khác màu da và tiếng nói.

Thế giới bé lại khi bước chân con người in thêm nhiều dấu vết trên mặt đất. Cái hành trình đi đầy ám ảnh như những người hùng vượt đại dương đến chốn tận cùng thế giới, những cuộc ra đi ngông cuồng xuyên châu lục đã trở thành huyền thoại đơn giản của thời hiện đại. Chính con người đã tự mình biến mình thành tượng đài anh hùng – khi họ dũng cảm mon men bước tới gần – dẫm lên – bước qua các đường biên giới, không chỉ đơn giản là biên giới quốc gia mà còn là giới hạn của nỗi sợ, sự ngu ngốc, tăm tối và hèn hạ. Con người đi – để trở thành những Magenllan, Christopher Columbus, Che Guevara, Hemingway – không sợ hãi thế giới và không xa rời chính mình.

Đi khó như thế nào?

8 triệu đồng và các chuyến đi

Trong câu chuyện vừa kể trên, đi chưa bao giờ là một sự dễ dàng. Phần nhiều, trở ngại lớn nhất của một chuyến đi chính là tâm thức của kẻ lữ hành. Bạn có sợ sự xa lạ? Bạn có sợ bóng tối? Bạn có sợ hết tiền? Bạn có sợ bị bắt cóc? Bạn có sợ bị xả súng vào người? Bạn có sợ bị những kẻ Hồi giáo cực đoan bắt cóc? Bạn có sợ tụi Khmer Đỏ xẻo thịt ăn sống? – Hàng nghìn câu hỏi của nỗi sợ. Người đi – muốn đi – phải lần lượt tự bản thân bẻ gãy các giới hạn đó – hoặc… có đủ tiền để mua người bẻ gãy hộ mình các nỗi sợ.

Đại khái thế.

Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ thắc mắc liệu mình sẽ đi tiếp thế nào khi thiên hạ đang lăm le tăng giá vé máy bay của một tuyến đường 1700km (hơn 1 giờ bay) thành 8 triệu/chuyến khứ hồi. Thiên hạ tiếp tục tăng vé xe lửa, vé xe khách, vé vào cổng và dựng luôn hàng rào resort lên những bãi biển mà tôi muốn đến thăm.

Thiên hạ ở đây còn chẳng buồn giáo dục mỗi đứa trẻ lớn lên về các con đường chúng phải đi qua để có thể trưởng thành. Chẳng có một bài học nào ở trường học của chúng tôi nói về sức mạnh vĩ đại của những người dám đi và tới đích, dám nhìn thấy các chân trời và ngạc nhiên nhìn ngắm vẻ kì diệu đủ màu sắc của cuộc sống.

Ở đây, người ta chấm từng 0,5điểm cho bài toán của một đứa trẻ lớp 1, dạy chúng tính toán từng tí một để kiếm điểm 10 bằng cách… mua dụng cụ học tập ở cửa hàng nhà cô giáo bán.

Thế giới không có những người đi sẽ trở thành một thế giới ngu ngốc.

Tôi cá đấy!!!

8 triệu đồng và các chuyến đi

***

Tác giả: Khải Đơn

Nguồn: Bay lên Việt Nam.

>> Mùa hoa đỗ mai ở Nha Trang

phuotstore.net December 18, 2013